Hay bị đau vai trái không đơn thuần do thói quen sinh hoạt, mà có thể là biểu hiện cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Vậy hay đau nhức vai trái là bệnh gì? Cần làm gì để điều trị bệnh ngay từ sớm? Bạn hãy theo dõi tiếp bài viết dưới đây để được giải đáp chi tiết nhé.
1. Đau vai trái và các triệu chứng liên quan
Khi vai trái bị đau, người bệnh thường có những biểu hiện dưới đây:
- Cơn đau xuất hiện ở vai trái, sau đó lan rộng xuống cổ, cánh tay hoặc lưng.
- Bả vai bị cứng cơ, đỏ ửng và có cảm giác nóng ấm khi chạm vào.
- Lực ở cánh tay yếu và không thể cầm nắm đồ vật được lâu.
- Cảm giác ngứa, tê như kim châm ở bả vai và cánh tay.
- Cử động vai và cánh tay thiếu sự linh hoạt.
- Xuất hiện tiếng kêu ‘lạch cạnh’ hoặc nổ ‘lách tách’ khi cử động cánh tay.
- Khó thở hoặc đau ngực.
- Suy nhược cơ thể.
- Choáng váng, buồn nôn và đổ mồ hôi lạnh.

2. Thường xuyên đau nhức vai trái là bệnh gì?
Tình trạng đau cơ vai trái thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh bảo một số bệnh lý dưới đây:
2.1 Các bệnh lý về cơ xương khớp
Khi mắc các bệnh lý cơ xương khớp sau, người bệnh sẽ hay bị đau vai trái:
- Viêm gân
Viêm gân cơ chóp xoay vai hoặc viêm gân cơ nhị đầu có thể khiến vùng vai bị đau nhức thường xuyên. Những bệnh lý này xảy ra do gân vai bị chấn thương, lặp đi lặp lại một động tác, nâng vật nặng hoặc đưa tay qua đầu không đúng tư thế. Bệnh thường xuất hiện ở những người chơi thể thao cường độ cao như bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt,… hoặc người làm thợ mộc, họa sĩ,…
- Chèn ép dây thần kinh cổ
Đau vai thường xuyên có thể xảy ra do các dây thần kinh nằm ở cổ bị các mô bao quanh như xương, dây chằng, cơ, sụn,… chèn ép. Tình trạng này xảy ra do các nguyên nhân như chấn thương, bệnh lý (thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, hẹp ống sống,…) và các yếu tố nguy cơ (tính chất công việc, tuổi tác,…). Cơn đau nhức do dây thần kinh cổ bị chèn ép sẽ khởi phát ở vùng cổ rồi lan sang bả vai trái/phải, cánh tay, bàn tay và ngón tay.
- Trật khớp vai
Trật khớp vai là tình trạng dây chằng bị giãn đột ngột khiến hai mặt khớp của chỏm xương cánh tay bị bật ra khỏi ổ chảo xương bả vai, gây biến dạng khớp. Điều này có thể xảy ra do té ngã khi tham gia giao thông, chơi thể thao hoặc nâng vật nặng không đúng cách. Nếu bị trật khớp vai trái, người bệnh cảm thấy đau nhức dữ dội và mất khả năng vận động khớp tạm thời.
- Viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch khớp vai là tình trạng túi chất lỏng ở bao khớp bị viêm. Lúc này, chất lỏng tích tụ nhiều khiến độ dày bao hoạt dịch tăng lên đến 1,27mm (lớn hơn bình thường 0,53mm). Bệnh thường xảy ra do tư thế vận động vai xấu, chấn thương, bệnh lý (viêm khớp dạng thấp, gout, gai xương,…) hay nhiễm trùng. Khi bị viêm bao hoạt dịch vai trái, người bệnh sẽ bị đau nhức dai dẳng ở bả vai trái, đặc biệt là vào ban đêm khi nằm nghiêng về một phía.

- Thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng cột sống cổ bị suy yếu do các nguyên nhân như tuổi tác, hoạt động sai tư thế, gai xương, đĩa đệm bị mất nước,… Bệnh khởi phát với tình trạng viêm và lắng đọng canxi trên dây chằng cột sống. Từ đó làm hẹp các lỗ liên hợp nằm sau cột sống, cản trợ sự lưu thông của mạch máu và các dây thần kinh. Cuối cùng dẫn đến tình trạng đau vai trái/phải, cổ và gáy. Cảm giác đau nhức sẽ nghiêm trọng hơn khi người bệnh cúi, xoay hoặc ngửa cổ.
- Bệnh xơ cơ
Bệnh xơ cơ là tình trạng thấp khớp mãn tính, đặc trưng với các cơn đau triền miên trên khắp cơ thể, trong đó có vai trái. Bên cạnh đau nhức, người bệnh xơ cơ còn gặp các rối loạn liên quan đến tâm trạng, nhận thức và giấc ngủ. Những triệu chứng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh rối loạn tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khớp gây sưng đau. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ ràng, nhưng các yếu tố như di truyền, tuổi tác, thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến vai trái, gây ra cơn đau mãn tính, cử động khó khăn, thậm chí biến dạng khớp.
- Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp vai là tình trạng sụn khớp bị bào mòn làm các đầu xương cọ xát vào nhau gây đau nhức và suy giảm khả năng vận động. Bệnh lý cơ xương khớp này có thể xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như chấn thương (gãy xương, trật khớp,…), tuổi cao, bệnh lý (viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, viêm khớp nhiễm trùng,…), béo phì và di truyền.
- Rách gân chóp xoay
Rách gân chóp xoay là tổn thương xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào của khớp vai, trong đó cơ trên vai là vị trí dễ bị nhất. Tình trạng này có thể xuất hiện khi té ngã, thoái hóa cơ dao tuổi tác, thực hiện các động tác nâng tay qua đầu hoặc nâng tạ lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi bị rách gân chóp xoay, người bệnh bị đau cơ vai trái âm ỉ và lan xuống cánh tay nhưng không quá khuỷu tay.

2.2 Do các bệnh lý khác
Thường xuyên đau nhức vai trái cũng là triệu chứng của các bệnh lý dưới đây:
- Đau tim
Đau tim liên quan đến tình trạng giảm lưu lượng máu về tim, có thể dẫn đến chết tế bào tim ở vùng bị ảnh hưởng. Bệnh lý này gây ra tình trạng đau ngực dữ dội và lan sang vai trái, cổ, nách, hàm, cánh tay,… Bên cạnh cảm giác đau vai trái, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi lạnh hoặc xanh xao.
- Đau thắt ngực
Đau thắt ngực thường là hệ quả của tình trạng xơ vữa động mạch – sự tích tụ chất béo trong động mạch do bệnh tiểu đường, huyết áp cao,… Khi bị bệnh, cơn đau sẽ khởi phát từ ngực sau đó lan sang vai trái, cánh tay hoặc cổ.
- Bệnh thần kinh đái tháo đường
Bệnh thần kinh đái tháo đường là tình trạng xảy ra do lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tổn thương các dây thần kinh của cơ thể. Qua đó gây ra các cơn đau nhức, nóng rát, ngứa ran hoặc tê bì ở khu vực vai, cánh tay và bàn tay.

- Hội chứng vai đông cứng
Hội chứng vai đông cứng là tình trạng viêm ở bao khớp vai hoặc mô bao phủ khớp vai. Bệnh này có thể xảy ra do bất động vai trong thời gian dài sau phẫu thuật vai, ngực hoặc cột sống cổ. Ngoài ra các bệnh lý như tiểu đường, parkinson,… cũng có thể gây ra hội chứng vai đông cứng. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến vai trái gây đau nhức, cứng vai hoặc giảm khả năng vận động.
- Hội chứng lỗ thoát ngực
Hội chứng lỗ thoát ngực xảy ra do các dây thần kinh hoặc mạch máu ở vùng lỗ thoát ngực giữa xương đòn và xương sườn đầu tiên bị chèn ép. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng như đau cơ vai trái, cánh tay và cổ. Cùng với đó là cảm giác ngứa ran hoặc khó cử động cánh tay như bình thường.
- Ung thư phổi
Ung thư phổi là tình trạng tế bào khối u xâm lấn vào các dây thần kinh của đám rối thần kinh cánh tay (ở vùng từ cổ đến nách) hoặc màng phổi (màng lốt phổi). Trường hợp ung thư ảnh hưởng đến phần trên của phổi thì có thể gây đau nhức ở vai trái, cánh tay hoặc yếu ở bàn tay.
3. Bị đau vai trái khi nào cần đến bác sĩ?
Khớp vai có phạm vi chuyển động lớn, nên khi căng thẳng hoặc gắng sức quá mức dưới bất kỳ hình thức nào cũng có thể dẫn đến đau. Hơn nữa, vai trái bị đau có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau. Vì thế bạn theo dõi sát sao tình trạng, nếu vai trái đau dai dẳng kèm theo các dấu hiệu bất thường như cứng khớp; yếu ở vai, cánh hoặc bàn tay; đau ngực, hàm, cánh tay hoặc cổ;… thì nên đến bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và hướng điều trị.
4. Cách điều trị đau mỏi vai trái hiệu quả
Tình trạng thường xuyên đau nhức vai trái có thể được điều trị bằng những cách sau:
4.1 Nghỉ ngơi và chườm lạnh
Với trường hợp đau vai nhẹ, bạn nên hạn chế cử động và tích cực nghỉ ngơi để các tổn thương nhanh chóng hồi phục. Đồng thời, bạn cũng nên dùng túi gel lạnh hoặc túi nước đá để chườm vào vai trái 15 – 20 phút, lặp lại cứ 4 – 6 giờ/lần trong 2 – 3 ngày để cải thiện cơn đau nhức.
4.2 Thực hiện các bài tập kéo giãn cơ
Các bài tập kéo giãn cơ như động tác căng con lắc, căng vai trên cao,… giúp các khớp và cơ bắp được thư giãn, tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt. Do đó, bạn nên thực hiện các bài tập này thường xuyên để cải thiện cảm giác đau nhức ở vai trái. Lưu ý, khi bắt đầu tập luyện bạn nên khởi động thật kỹ, duy trì tư thế đúng và tránh những động tác gây căng thẳng cơ và khớp.
4.3 Dùng thuốc giảm đau
Khi vai trái bị đau, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau như ibuprofen, aspirin,… hoặc tiêm corticosteroid để cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, thuốc giảm đau chỉ có tác dụng tạm thời và nếu lạm dụng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, viêm thận kẽ cấp,… Do đó, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn liều dùng, tần suất và thời gian uống thuốc phù hợp.

4.4 Áp dụng vật lý trị liệu kết hợp nắn chỉnh cơ xương khớp
Đối với trường hợp cơn đau vai trái do bệnh lý cơ xương khớp như thoát vị đĩa đệm cổ, viêm bao hoạt dịch,… bạn có thể áp dụng phương pháp kết hợp vật lý trị liệu và nắn chỉnh cơ xương khớp. Cụ thể:
- Vật lý trị liệu: Phương pháp sử dụng các yếu tố như vận động cơ học, ánh sáng, sóng âm, nhiệt,… tác động lên vùng vai trái. Qua đó giúp vai trái giảm đau, đồng thời hồi phục khả năng vận động.
- Nắn chỉnh cơ xương khớp: Phương pháp điều trị này có khả năng tác động đến nguồn gốc cơn đau bằng cách điều chỉnh cấu trúc sai lệch ở khớp và đốt sống cổ. Từ đó giải phóng áp lực chèn ép ở dây thần kinh xung quanh vai và thúc đẩy quá trình tự chữa lành tổn thương của cơ thể. Nhờ đó, cơn đau nhức ở vai trái thuyên giảm tự nhiên mà không cần dùng thuốc hay phẫu thuật.
An tâm điều trị đau nhức vai trái hiệu quả tại phòng khám ACC Tại Việt Nam, phòng khám ACC là đơn bị tiên phong ứng dụng liệu trình kết hợp vật lý trị liệu và nắn chỉnh cơ xương khớp vào điều trị bệnh cơ xương khớp trong gần 20 năm qua. Khi chọn điều trị đau nhức ở vai trái tại ACC, bệnh nhân an tâm có trải nghiệm vẹn toàn nhờ các ưu điểm:
![]() >> Liên hệ ngay ACC để được bác sĩ chuyên khoa Trị liệu Thần kinh Cột sống xây dựng phác đồ điều trị cơn đau ở vai trái phù hợp, hồi phục sức khỏe nhanh chóng, an toàn! |
4.6 Chữa đau vai trái do các bệnh lý khác
Nếu vai trái bị đau là triệu chứng của một tình trạng sức khỏe cụ thể, bác sĩ sẽ đề xuất hướng chữa trị tập trung vào vấn đề đó. Chẳng hạn như:
- Vai trái bị đau do bệnh tim: Bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc ngay lập tức để kiểm soát cơn đau. Đồng thời, người bệnh được đặt ống thông hoặc nong mạch để phục hồi lượng máu đến tim và tránh các biến chứng nguy hiểm như suy tim, ngừng tim đột ngột,…
- Đau nhức vai trái do bệnh đái tháo đường: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc tiểu đường, ví dụ như insulin để bình thường hóa lượng đường trong máu. Người ra, để giảm đau mỏi vai trái bệnh nhân còn được kê đơn thuốc co giật, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc opioid như tramadol, pregabalin hoặc amitriptyline.
5. Làm thế nào để phòng ngừa đau vai trái?
Để phòng ngừa tình trạng vai trái bị đau, ban nên làm những điều sau:
- Khởi động thật kỹ trước khi chơi bất kỳ môn thể thao nào để tránh chấn thương.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cân bằng, đặc biệt là bổ sung thực phẩm giàu vitamin D và canxi như sữa, các loại hạt, hải sản, rau có màu xanh lá,… để nâng cao sức khỏe cơ xương khớp, hạn chế bệnh lý.
- Hạn chế vận động khớp vai với cường độ mạnh trong thời gian dài vì dễ dẫn đến tổn thương, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh cơ xương khớp.
- Thường xuyên thực hiện các bài tập giãn cơ đặc biệt là sau khi ngồi làm việc lâu hoặc vận động nặng để tăng cường cơ bắp toàn thân.
Đau vai trái có thể là dấu hiệu cảnh báo về một hoặc nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nếu bạn hoặc người thân cảm thấy nguyên nhân vai trái bị đau bất thường, hãy theo dõi kết hợp chăm sóc bằng các phương pháp tại nhà. Khi triệu chứng ngày càng nặng hơn thì nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và chữa trị sớm.