Ngón chân cái đóng vai trò quan trọng trong việc giữ thăng bằng và ổn định bàn chân. Khi bị tổn thương, cơn đau có thể xuất hiện, gây ảnh hưởng đến khả năng đi lại và làm gián đoạn sinh hoạt hằng ngày. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến đau ngón chân cái? Đâu là phương pháp điều trị hiệu quả? Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau.
1. Các nguyên nhân gây đau ngón chân cái
Ngón chân cái bị đau buốt có thể là do sự phát triển bất thường của móng chân, chấn thương hoặc có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về xương khớp. Cụ thể là:
1.1 Móng chân mọc ngược (móng chân quặp)
Khi bạn cảm nhận tự nhiên đau ngón chân cái, đây có thể là dấu hiệu cho thấy móng chân mọc ngược. Đây là tình trạng phần thân móng chân không mọc thẳng mà mọc quặp lại cắm sâu vào phần thịt hai bên khóe móng chân, từ đó dẫn đến các cơn đau nhói, sưng đỏ ở khóe móng chân. Nguyên nhân móng chân mọc ngược có thể là do đi giày chật, cắt móng chân không đúng cách, chấn thương móng dẫn đến móng mọc lệch,…

1.2 Bong gân ngón chân cái (ngón chân sân cỏ)
Bong gân ngón chân cái là chấn thương thường gặp khi người bệnh chơi các môn thể thao trên sân cỏ nhân tạo. Tình trạng bong gân này xảy ra khi chân duỗi ra quá mức, dẫn đến khớp ngón cái bị đẩy ra khỏi vị trí ban đầu, gây áp lực các mô, gân, dây chằng ở ngón chân. Từ đó dây chằng bị kéo căng nhưng không rách, khiến ngón chân cái bị đau nhức, viêm sưng, ảnh hưởng đến khả năng vận động.
1.3 Gãy xương ngón cái
Gãy xương ngón chân cái thường xảy ra do va chạm vật cứng, rơi vật nặng vào chân hoặc thực hiện động tác chân liên tục tạo áp lực cho xương khớp. Khi bệnh nhân bị gãy chân cảm giác đau đớn sẽ đến ngay tức thì, kèm theo đó ngón cái có thể bị sưng đỏ hoặc bầm tím.
1.4 Bệnh gout (gút)
Bệnh gút là tình trạng viêm đau do sự tích tụ axit uric ở các khớp. Theo Học viện phẫu thuật Bàn chân và Mắt cá chân Hoa Kỳ (ACFAS), bệnh gút thường xuất hiện ở ngón chân cái. Triệu chứng điển hình của bệnh gút là gây nên các cơn đau nhức ngón chân cái (đặc biệt là vào ban đêm), có thể kèm theo một số dấu hiệu như sốt, viêm và sưng đỏ, giới hạn phạm vi hoạt động,…

1.5 Bệnh u xương ngón chân cái
U xương ngón chân cái (Bunion) là một dị tật bàn chân, trong đó khớp chân cái bị nhô ra khỏi vị trí bình thường. Lâu dần, khối nhô ra này có thể hình thành một khối xương, mô riêng biệt có dây chằng, gân, xương, có thể tạo áp lực cho khớp ngón chân cái. Từ đó có thể khiến ngón chân cái bị đau, đỏ và kích ứng.
1.6 Thoái hóa khớp ngón chân cái
Nguyên nhân khiến bạn bị đau ngón chân cái có thể do bệnh thoái hóa khớp ngón chân cái. Được biết, thoái hoá khớp ngón chân cái là một dạng viêm khớp xảy ra khi sụn khớp bị hao mòn do quá trình lão hoá tự nhiên. Ngoài triệu chứng đau ở ngón chân cái, người bệnh thoái hoá khớp còn có thể gặp một số triệu chứng như cứng khớp, hạn chế vận động, dáng đi bị thay đổi.
1.7 Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tự tấn công vào các khớp và mô của cơ thể, gây viêm. Trong đó, khớp ngón chân cái dễ bị ảnh hưởng do đây là một trong những khớp hoạt động nhiều nhất khi vận động. Các triệu chứng ngón chân cái bị viêm khớp dạng thấp bao gồm sưng đau, cứng khớp, khó cử động và cảm giác ấm nóng quanh vùng viêm.

1.8 Viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái là tình trạng viêm và kích ứng các túi chứa chất lỏng quanh khớp do nhiều nguyên nhân như chấn thương, chứng bàn chân bẹt, hoạt động nhiều và liên tục,… Từ đó dẫn đến tình trạng sưng đỏ, đau ngón chân cái, một số trường hợp dẫn đến cứng khớp, hạn chế vận động.
>> Xem thêm: Dấu hiệu và cách điều trị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
1.9 Viêm xương vừng
Đây là tình trạng viêm ảnh hưởng đến hai xương nhỏ nằm dưới khớp ngón chân cái, còn gọi là xương vừng (sesamoids). Những xương này nằm trong gân hoặc cơ, hỗ trợ chuyển động và hấp thụ lực khi di chuyển. Khi bị viêm, chúng có thể gây đau âm ỉ dưới khớp ngón chân cái, thậm chí bầm tím trong một số trường hợp. Viêm xương vừng thường do đi giày cao gót thường xuyên, bất thường về cấu trúc bàn chân hoặc chấn thương thể thao.
2. Đau ngón chân cái nguy hiểm không? Khi nào nên đi khám?
Đau ngón chân cái có thể không nguy hiểm nếu đó là do các nguyên nhân do móng chân mọc ngược hay bong gân nhẹ do va chạm. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan khi ngón chân cái bị đau buốt, vì đây có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý xương khớp như gout, viêm khớp, thoái hóa khớp nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng khả năng vận động, tiến triển thành mạn tính.
Người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu các cơn đau không thuyên giảm khi đã chăm sóc tại nhà hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sưng đỏ, có mủ, tê ngón chân, ngứa ran, mất cảm giác,…

3. Cách giảm đau ngón chân cái tại nhà
Nếu nguyên nhân đau ngón chân cái do chấn thương nhẹ, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà như:
- Nghỉ ngơi, hạn chế cử động chân giúp các cơn đau thuyên giảm, hỗ trợ phục hồi các tổn thương ở gân, mô, dây chằng.
- Chườm lạnh lên ngón chân trong 20 phút/lần, mỗi lần cách nhau 2 – 3 tiếng, hỗ trợ giảm sưng đau.
- Ngâm chân trong nước ấm vài lần trên ngày giúp làm dịu các cơn đau do móng chân mọc ngược, đau chân mạn tính.
- Nâng cao chân hơn tim giúp cải thiện lưu lượng máu, giảm sưng đau nhức ngón chân cái do bong gân hoặc gãy xương.
- Đeo nẹp ngón chân cho các trường hợp bong gân hoặc gãy ngón chân. Đây là phương pháp giúp cố định ngón chân, hỗ trợ xương khớp ở ngón cái về vị trí tự nhiên, đồng thời giảm cơn đau do căng thẳng ở cơ gân gây ra.
- Sử dụng đế chỉnh hình bàn chân là cách trị đau ngón chân cái cho các trường hợp bàn chân bẹt. Dụng cụ y khoa này giúp hỗ trợ hỗ trợ nâng vòm bàn chân giúp hình thành hõm chân tự nhiên. Nhờ đó giúp cơ thể cân bằng khi di chuyển, giảm các cơn đau ngón chân, bàn chân.
4. Phương pháp điều trị đau ngón chân cái an toàn, hiệu quả
Khi thăm khám, để điều trị tình trạng đau nhức ngón chân cái, bác sĩ có thể kê các loại thuốc giảm đau (như acetaminophen, ibuprofen…), thuốc chống viêm không steroid (NSAID) giúp giảm đau, viêm sưng. Tuy nhiên, uống thuốc chỉ có tác dụng tạm thời, các cơn đau ngón chân có thể tái phát lại. Ngoài ra, nếu người bệnh uống thuốc giảm đau thường xuyên có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của dạ dày, gan hoặc thận.
Phẫu thuật cũng là một cách trị đau ngón chân cái nhưng hiếm khi áp dụng. Bác sĩ có thể chỉ định trong một số trường hợp như gãy xương vừng, viêm khớp nghiêm trọng.
Hiện nay, với những bệnh lý gây đau ngón chân cái như viêm khớp, thoái hóa khớp,… Vật lý trị liệu theo nguyên tắc giảm đau, chống viêm được áp dụng phổ biến. Thông qua các bài tập phù hợp hoặc điều trị phục hồi bằng thiết bị hiện đại, ngón chân cái của bệnh nhân được hỗ trợ thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm đau nhức tay chân, tăng tính linh hoạt cho xương khớp.

Tại ACC, liệu pháp Vật lý trị liệu kết hợp với Trị liệu thần kinh cột sống (Chiropractic) đã hỗ trợ nhiều bệnh nhân chấm dứt cơn đau nhức xương khớp (bao gồm đau ngón chân cái) mà không cần dùng thuốc hay phẫu thuật. Khi điều trị tại phòng khám, người bệnh sẽ được:
- Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa thăm khám kỹ lưỡng, xác định đúng nguyên nhân đau ngón chân cái. Nếu các tổn thương phát hiện do sai lệch xương khớp ngón chân dẫn đến chèn dây thần kinh, dây chằng, nhóm cơ, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phương pháp Chiropractic. Quá trình trị liệu được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa trị liệu thần kinh cột sống 100% nước ngoài, giàu kinh nghiệm, thao tác nắn chỉnh nhẹ nhàng giúp giải phóng các áp lực chèn ép lên dây thần kinh, mô cơ quanh vùng ngón chân, giúp giảm đau hiệu quả.
- Dựa vào tình trạng bệnh và các tổn thương thực tế tại xương, khớp ở ngón chân. Các bác sĩ sẽ thiết kế bài tập Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng chuyên biệt cho từng bệnh nhân.
- Trong quá trình điều trị, ACC sử dụng các thiết bị hiện đại trong liệu pháp Vật lý trị liệu như sóng xung kích Shockwave, tai laser thế hệ IV,… hỗ trợ giảm sưng viêm và đẩy nhanh thời gian hồi phục.

>> Liên hệ phòng khám ACC đặt lịch hẹn thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, tìm ra nguyên nhân đau ngón chân chính xác và phương án điều trị tối ưu.
5. Lời khuyên phòng tránh đau ngón chân cái
Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn có thể ngăn ngừa tình trạng đau nhức ngón chân cái:
- Chú ý khởi động trước khi vận động hoặc khi chơi thể thao.
- Hạn chế vận động mạnh, quá sức, đặc biệt với các vận động viên bóng đá, điền kinh, nhảy xa,…
- Duy trì tập luyện các bài tập tăng tính linh hoạt cho ngón chân như nâng ngón chân – cuộn tròn, căng ngón chân cái,…
- Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm tốt cho xương khớp như sữa, trái cây, cá béo,…
- Thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh như ngủ sớm, hạn chế mang giày cao gót, không uống rượu bia/ các chất kích thích,…
Bài viết trên đã giúp bạn giải đáp câu hỏi vì sao đau ngón chân cái và phương án điều trị phù hợp. Nếu đã áp dụng phương pháp điều trị tại nhà mà cơn đau không thuyên giảm, thậm chí tái đi tái lại gây hạn chế vận động thì người bệnh nên sớm đến bác sĩ thăm khám, qua đó xác định nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời, tránh biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.