Sụn chêm là một bộ phận nằm bên trong khớp gối, giữ vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ toàn bộ cơ thể, do vậy đây cũng là bộ phận dễ tổn thương nhất của khớp gối. Rách sụn chêm đầu gối là loại chấn thương thường gặp, gây trở ngại lớn đến khả năng vận động của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ về tình trạng rách sụn chêm đầu gối.
1. Rách sụn chêm khớp gối là gì?
Sụn chêm khớp gối là “tấm đệm” nằm giữa đầu dưới xương đùi với đầu trên xương chày, bao gồm 2 tấm là sụn chêm trong – nằm phía trong khớp (hình chữ C) và sụn chêm ngoài – nằm ngoài khớp (hình chữ O). Sụn chêm được phân chia ra thành 3 phần: sừng trước, thân giữa, sừng sau; và có 2 bờ: bờ bao khớp bám vào bao khớp, bờ tự do.
Sụn chêm có tính dai, đàn hồi tốt và chịu lực cho toàn bộ cơ thể nên có vai trò trong việc giúp đầu gối vững chắc; giảm xóc khi di chuyển cơ thể; phân phối đều lực ở đầu gối; cung cấp hoạt dịch bôi trơn và dưỡng chất cho sụn khớp; tránh được tình trạng bao khớp, màng hoạt dịch bị kẹt vào khe khớp.
Rách sụn chêm đầu gối là khi đầu gối bị tác động quá mạnh, sụn chêm sẽ bị rách và những mảnh sụn nhỏ có thể bị kẹt trong khớp gối, làm cho khớp gối bị thoái hóa. Hơn nữa, rách sụn chêm cũng có rất nhiều hình thái khác nhau như hình dọc, hình ngang, hình nan hoa, hình vạt,…
2. Nhận biết dấu hiệu rách sụn chêm đầu gối
Một số dấu hiệu rách sụn chêm bao gồm:
- Đầu gối đau nhức, sưng viêm.
- Khớp gối bị kẹt.
- Có tiếng lục cục khi vận động khớp gối.
- Khó khăn khi di chuyển, co duỗi khớp gối.
- Đau nhức khi ấn nhẹ vào khe khớp gối.
Nghe thấy tiếng khớp gối kêu lục cục khi co duỗi, vận động là hiện tượng khá phổ biến đối với nhiều người. Tình trạng này xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, đôi khi cũng có thể là cảnh báo về một số bệnh lý xương khớp, vì…
Thông thường sau khi bị rách sụn chêm, bạn vẫn có thể hoạt động bình thường, đến khoảng vài ngày sau thì đầu gối mới bắt đầu có dấu hiệu đau nhức, sưng lên và giảm độ linh hoạt. Lúc này bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và có phương hướng điều trị kịp thời, tránh trường hợp để tình trạng như vậy một thời gian dài, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
3. Nguyên nhân gây rách sụn chêm
Nguyên nhân chủ yếu gây nên rách sụn chêm đầu gối xuất phát từ:
Đối với người trẻ: Rách sụn chêm thường xảy ra do các lực tác động mạnh vào đầu gối khi gặp tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chấn thương thể thao, chấn thương khi đang vui chơi hoặc chấn thương đột ngột xảy ra trong trạng thái gối gấp, đồng thời chân bị vặn xoắn. Tham khảo một số biện pháp phòng ngừa chấn thương thể thao TẠI ĐÂY.
Đối với người lớn tuổi: Nguyên nhân rách sụn chêm ở người lớn tuổi chủ yếu là do quá trình thoái hóa tự nhiên, điển hình là thoái hóa khớp gối, viêm khớp gối, khiến sụn chêm không còn ổn định và dễ bị rách. Bên cạnh đó, hành động đứng lên ngồi xuống trong tư thế chân hơi vặn cũng có thể dẫn đến rách sụn chêm.
Bài viết xem nhiều: > Chấn thương đầu gối thường gặp và cách điều trị > Đầu gối bị đau khi đá bóng nguyên nhân do đâu? > Thoái hóa khớp gối nên ăn gì để nhanh khỏi?
4. Rách sụn chêm có nguy hiểm không?
Rách sụn chêm có 3 cấp độ, cụ thể:
Rách sụn chêm độ 1 (rách sụn chêm ngoài): Đây là vùng có nhiều mạch máu, khi bị rách vẫn có thể phục hồi nếu được phát hiện sớm.
Rách sụn chêm trong độ 2: Đây là vùng trung gian, mạch máu có xu hướng giảm dần, vết rách có thể lành nhưng kết quả không bằng cấp độ 1.
Rách sụn chêm trong độ 3: Vùng này không có mạch máu và vết rách không thể lành lại được, có khả năng phải phẫu thuật cắt bỏ phần tổn thương.
Với 3 cấp độ tổn thương sụn chêm như trên, nếu bạn không gặp bác sĩ để điều trị kịp thời thì có thể phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như:
Đầu gối đau nhức dữ dội hơn: Các hoạt động như đi lại, co duỗi đầu gối sẽ trở nên khó khăn và đau đớn nhiều hơn.
Teo cơ tứ đầu đùi: Khi bị teo cơ tứ đầu đùi, người bệnh không đi lại, không duỗi thẳng chân được.
Hư khớp gối: Đầu gối lúc này không còn vững chắc, dễ bị thoái hóa và bị hư hoàn toàn.
5. Rách sụn chêm bao lâu thì khỏi?
Thời gian phục hồi khi bị rách sụn chêm khớp gối của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng chấn thương cũng như phương pháp điều trị. Tốt nhất là bạn cần nghe lời khuyên của bác sĩ và tuân thủ một cách nghiêm túc.
Ngoài ra, bạn không nên hoạt động đầu gối quá nhiều ngay sau khi điều trị, vì lúc này vết thương chưa hoàn toàn hồi phục và có thể gặp phải rắc rối với những cơn đau hoặc khiến vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.
6. Các phương pháp điều trị rách sụn chêm
Hiện nay, điều trị rách sụn chêm khớp gối gồm có 2 phương pháp là điều trị bảo tồn và phẫu thuật. Mỗi phương pháp sẽ tương ứng với 3 cấp độ của rách sụn chêm đã đề cập ở trên.
6.1. Điều trị bảo tồn
Phương pháp điều trị bảo tồn thường sẽ dành cho rách sụn chêm độ 1 và rách sụn chêm trong độ 2. Vết thương lúc này có khả năng chữa lành được, cụ thể như sau:
Dùng thuốc: Các loại thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) như Advil, Aleve, Motrin giúp giảm các cơn đau nhức, sưng tấy. Tuy nhiên, dùng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, nếu lạm dụng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và viêm loét.
Chườm đá: Dùng đá lạnh chườm lên vết thương khoảng 15 – 20 phút sau 3 – 4 giờ, thực hiện trong 2 – 3 ngày để làm giảm sưng đau. Cách này chỉ cho hiệu quả tạm thời, không giải quyết dứt điểm được vết thương.
Nẹp đầu gối: Sử dụng băng thun hoặc dụng cụ nẹp đầu gối để cố định khớp gối, làm giảm cơn đau. Cách này cũng không mang lại hiệu quả điều trị cao.
Trị liệu thần kinh cột sống: Trong trường hợp người bệnh gặp phải những tổn thương về khớp gối, các bác sĩ ACC sẽ áp dụng phương pháp Trị liệu thần kinh cột sống Chiropractic. Phương pháp này hoạt động dựa trên cơ chế nắn chỉnh những sai lệch ở khớp gối và cột sống, đưa khớp gối về đúng vị trí, từ đó giải phóng sức ép lên sụn chêm, điều chỉnh sự cân bằng khi di chuyển và kích thích khả năng tự chữa lành của cơ thể.
Vật lý trị liệu: Bác sĩ chỉ định các bài tập vật lý trị liệu gồm bài tập đơn giản, có thể thực hiện tại nhà và bài tập chung với thiết bị chuyên dụng. Tại ACC, từng bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị với chương trình phục hồi chức năng chuyên biệt tùy theo từng tình trạng và mức độ tổn thương sụn chêm. Thêm vào đó, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp điều trị bằng phương pháp chiếu tia laser cường độ cao thế hệ IV, sóng xung kích Shockwave… giúp giảm sưng viêm, đau nhức, tăng tốc độ phục hồi.
Tham khảo một số bài tập hỗ trợ giảm đau khớp gối dưới sự hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu – phục hồi chức năng từ ACC:
6.2. Phẫu thuật
Có khá nhiều người thắc mắc rằng “rách sụn chêm có phải mổ không?”, câu trả lời là tùy vào mức độ tổn thương của đầu gối mà sẽ có những cách phẫu thuật khác nhau.
Các loại phẫu thuật rách sụn chêm hiện nay gồm:
Cắt bỏ sụn chêm: Cách này dành cho vết rách sụn chêm cũ trên 6 tuần, bác sĩ cắt bỏ bằng kỹ thuật tiết kiệm vùng rách, để lại vùng nguyên giáp bao khớp để giúp khớp gối vững vàng hơn.
Khâu sụn chêm: Cách này dành cho trường hợp rách sụn chêm dọc, vết rách còn mới (rách sụn chêm ngoài), thực hiện ngay từ sớm sẽ giúp vết thương hồi phục nhanh hơn.
Ghép sụn chêm: Ghép sụn chêm là cách phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ thuật và loại sụn chêm để ghép. Hiện tại Việt Nam chưa thực hiện cách phẫu thuật này.
Phẫu thuật chỉ nên là phương án điều trị cuối cùng khi các cách điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả. Sau khi phẫu thuật, vẫn có khả năng người bệnh bị nhiễm trùng, đau nhức dữ dội và thoái hóa khớp gối nhanh hơn.
7. Làm thế nào để ngăn ngừa rách sụn chêm?
Để ngăn ngừa rách sụn chêm cũng như các chấn thương đầu gối khác, bạn có thể tham khảo một số cách sau:
- Tập thể dục thường xuyên.
- Khi tham gia các hoạt động thể chất cần khởi động nhẹ nhàng trước.
- Phân bổ thời gian nghỉ ngơi sau khi tập luyện hợp lý.
- Sử dụng giày thể thao vừa vặn, êm ái.
- Vận động với lực vừa phải, không chuyển hướng hoặc dùng lực mạnh đột ngột.
Trên đây là những chia sẻ về rách sụn chêm đầu gối. Hy vọng rằng bài viết này hữu ích với bạn. Mặt khác, nếu bạn cảm thấy có vấn đề ở đầu gối như đau nhức bất thường thì hãy đến gặp bác sĩ ngay để giải quyết vấn đề kịp thời nhé.