Bệnh đau đầu ở phụ nữ: Làm sao để khắc phục hiệu quả?

Tác giả: Phòng khám ACC

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Aubrey C. Gail

Bệnh đau đầu ở phụ nữ là tình trạng bệnh lý xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài đau đầu, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác như nôn, buồn nôn, chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Do vậy, để có cách điều trị hiệu quả thì bệnh nhân cần xác định được nguyên nhân gây đau đầu xuất phát từ đâu.

1. Phụ nữ hay bị nhức đầu hơn nam giới: Nguyên nhân do đâu?

Nhiều thống kê cho thấy phụ nữ thường hay đau đầu hơn nam giới, phổ biến nhất là đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu (chiếm tỷ lệ cao gấp 3 lần nam giới).

Nguyên nhân chủ yếu là do:

1.1. Sự dao động của nồng độ hormone trong cơ thể

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ WPJ van Oosterhout, Khoa Thần kinh tại Trung tâm Y tế Đại học Leiden – Hà Lan cho biết, nồng độ Estrogen có thể ảnh hưởng đến sự xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của chứng đau nửa đầu ở phụ nữ.

Cụ thể, sự tăng giảm bất thường của Estrogen trong kỳ kinh nguyệt, mang thai, tiền mãn kinh – mãn kinh, uống thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone… sẽ làm ảnh hưởng đến các tế bào xung quanh dây thần kinh sinh ba và các mạch máu được nối vào đầu dây thần kinh, tạo ra sự nhạy cảm cho chúng, dẫn đến bệnh đau đầu ở phụ nữ.

Trong khi đó, nam giới ít gặp phải hơn do cơ thể sản sinh nhiều nội tiết tố Testosterone – đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại cơn đau nửa đầu.

Bệnh đau đầu ở phụ nữ xảy ra thường xuyên và cường độ đau cao hơn so với ở nam giới
Không chỉ xảy ra thường xuyên hơn, cường độ đau đầu ở nữ giới còn cao hơn so với nam giới.

1.2. Dễ căng thẳng, nhạy cảm

Thông thường, nam giới có khả năng chịu áp lực lớn hơn và dễ dàng bộc lộ ra bên ngoài để giải tỏa nên không ảnh hưởng nhiều đến thần kinh. Ngược lại, phụ nữ rất nhạy cảm với cuộc sống, thường có xu hướng âm thầm chịu đựng, rất khó để giãi bày. Khi cảm xúc liên tục bị đè nén sẽ dẫn đến căng thẳng/stress, gây đau đầu kéo dài.

1.3. Rối loạn giấc ngủ

Phần lớn, phụ nữ đến giai đoạn 30 – 50 tuổi thường hay gặp các vấn đề rối loạn về giấc ngủ, khó ngủ hoặc mất ngủ nên dễ bị mệt mỏi, đau nửa đầu.

1.4. Các yếu tố khác

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, bệnh đau đầu ở phụ nữ còn do nhiều yếu tố khác như:

  • Uống quá ít nước.
  • Thói quen ăn uống thất thường.
  • Ăn kiêng để giảm cân.
  • Tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh.
  • Thời tiết thay đổi.
  • Yếu tố di truyền.
  • Thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích.

Xem thêm: 10 loại đau đầu thường gặp ở nhiều người và cách chữa trị hiệu quả

2. Làm sao để khắc phục bệnh đau đầu ở phụ nữ?

Các phương pháp giúp làm giảm triệu chứng của bệnh, bao gồm:

2.1. Khắc phục tại nhà

Với trường hợp bị đau đầu không do bệnh lý, bạn có thể khắc phục ngay tại nhà bằng một số cách dưới đây:

  • Nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần ở không gian yên tĩnh, tránh tiếng ồn và quá nhiều ánh sáng.
  • Uống nhiều nước, từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
  • Thực hiện hít thở sâu hoặc các bài tập thư giãn khác.
  • Chườm đá, xoa bóp, massage tại khu vực bạn cảm thấy đau.
Chườm lạnh ở trán giúp giảm đau đầu tạm thời
Chườm đá ở trán và xung quanh thái dương có thể làm giảm nhiệt độ của lượng máu qua màng não, hạn chế cảm giác nhói đau.

Tham khảo thêm các cách giảm đau đầu tại nhà hiệu quả TẠI ĐÂY

2.2. Sử dụng thuốc giảm đau

Các loại thuốc uống giảm đau không kê đơn Aspirin, Ibuprofen,  Acetaminophen… có tác dụng giảm đau nhẹ khi cơn đau đầu vừa mới xuất hiện. Hoặc người bệnh có thể được chỉ định nhóm thuốc Triptans – một loại thuốc đặc trị giúp giảm cường độ của cơn đau nửa đầu.

Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ bởi nếu tự ý uống thuốc giảm đau hoặc lạm dụng trong thời gian dài có thể khiến cơn đau tồi tệ hơn và gây ra nhiều tác dụng phụ khác như: loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa, hại thận…

2.3. Liệu pháp hormone

Đối với phụ nữ thường xuyên bị đau đầu do nội tiết, bác sĩ có thể khuyến khích sử dụng liệu pháp hormone. Bạn có thể bổ sung Estrogen hằng ngày thông qua dạng thuốc uống hoặc miếng dán.

2.4. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu bằng các bài tập thể dục với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại xung quanh cổ và vai rất hữu ích cho việc giảm căng cứng cơ – tác nhân gây đau đầu. Để đạt hiệu quả tốt nhất, giúp kiểm soát và ngăn ngừa cơn đau tái phát, người bệnh nên đến các phòng khám uy tín để được chuyên gia vật lý trị liệu thiết kế và hướng dẫn bài tập phù hợp.

2.5. Trị liệu Thần kinh Cột sống

Với các trường hợp đau đầu do bệnh lý, chẳng hạn như bệnh lý cột sống (thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ… hay căng cơ cổ, chèn ép dây thần kinh) làm xuất hiện cơn đau đầu liên tục, chị em nên thăm khám sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hiện nay, phương pháp Trị liệu Thần kinh Cột sống – Chiropractic được phòng khám ACC ứng dụng thành công trong việc điều trị các chứng đau đầu, không dùng thuốc hay phẫu thuật. Bằng kỹ thuật nắn chỉnh nhẹ nhàng, các bác sĩ sẽ điều chỉnh cấu trúc cột sống bị sai lệch, đưa cấu trúc cột sống trở về vị trí ban đầu, từ đó giảm nhẹ áp lực lên đĩa đệm, giải phóng chèn ép dây thần kinh và cải thiện chức năng cột sống cổ, các cơn đau đầu sẽ giảm đáng kể.

3. Phòng ngừa bệnh đau đầu ở phụ nữ

Người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh đau đầu tại nhà như:

  • Đảm bảo ngủ đủ giấc (tối thiểu 7 – 8 giờ/ngày).
  • Thiết lập một chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tránh để cơ thể căng thẳng, mệt mỏi quá độ.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu.
  • Hạn chế uống bia rượu, hút thuốc lá, lạm dụng cà phê,…
  • Vận động cơ thể thường xuyên bằng những bài tập như đi bộ thư giãn, yoga, thiền.

Nhìn chung, bệnh đau đầu ở phụ nữ chỉ khắc phục hiệu quả nếu xác định chính xác nguyên nhân. Do đó nếu hay bị đau đầu cùng các triệu chứng bất thường khác, người bệnh nên thăm khám càng sớm càng tốt nhé!

Có thể bạn quan tâm: Nguyên nhân gây đau đầu liên tục nhiều ngày và làm thế nào để khắc phục

Đặt hẹn tại phòng khám ACC để được các bác sĩ nước ngoài thăm khám và chữa trị kịp thời!

Bài cùng chuyên mục