Tôi thật là hạnh phúc khi xoa dịu nỗi đau cho người khác

Tác giả: Phòng khám ACC

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Wade Brackenbury

Cơn mưa tầm tã giữa trưa của Sài Gòn không ngăn được tôi đến đúng giờ hẹn và nỗi háo hức được gặp một người đàn ông mà một người bạn, khi giới thiệu với tôi đã miêu tả là “Một người rất thú vị: một bác sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà văn, và đặc biệt là một người thích phiêu lưu thám hiểm!”.

Ngồi đối diện với tôi bây giờ là một người đàn ông rắn rỏi, hơi trẻ hơn so với tuổi 42 của mình. Giống như nhiều người Mỹ mà tôi đã gặp, ông có nét cởi mở, thân thiện dù mới lần đầu gặp gỡ. Hiếm ai nghĩ được rằng, người đàn ông tráng kiện này 26 năm trước có một cái chân bị teo và mất cảm giác, suýt trở thành tật nguyền vĩnh viễn nếu không có cơ duyên được gặp một ngành y học mà sau này gắn bó với ông suốt trọn cuộc đời: Chiropractic.

Chào bác sĩ Brackenbury, tên của ông khó phát âm đấy nhỉ?

Vâng, ở đây người ta thường gọi tôi là Bác sĩ Wade cho dễ.

Chúng ta bắt đầu nhé, thế Chiropractic là gì, thưa bác sĩ?

Chiropractic là một khoa học chữa bệnh đã hình thành và phát triển khoảng hơn 100 năm nay trên khắp thế giới. Bác sĩ Chiropractic (Doctor of Chiropractic- DC, còn gọi là chiropractor) quan niệm bệnh tật (nhất là những triệu chứng đau vùng lưng, vùng cổ) là do hệ thống thần kinh ở cột sống bị trục trặc, và học sẽ tập trung điều chỉnh những trục trặc này để làm mất triệu chứng đau của bệnh nhân. Từ chiropractic xuất phá từ gốc Hy Lạp Chiropraktikos, nghĩa là “trị bệnh bằng bàn tay”. Thật vậy, bác sĩ chiropractic chủ yếu dùng đôi tay của mình để kéo, xoa, nắn… các vùng đau đớn trên cơ thể (nhất là cột sống) để chữa bệnh cho bệnh nhân. Họ hầu như không dùng thuốc hay phẫu thuật như y học vẫn thường sử dụng.

Qua lời ông vừa nói, tôi nghĩ rằng bệnh nhân của ông chắc phải nhiều dạng khác nhau.

Hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện của tôi vì một trong số những vấn đề sau: đau lưng, đau thần kinh tọa, đau vùng cổ, đau ở gối và vùng chân, đau ở khủy tay, đau vai. Hầu hết những bệnh nhân này bị đau mạn tính dai dẳng nhiều năm, đã chữa chạy nhiều nơi không có kết quả. Có người đã từng được mổ nhưng vẫn không khỏi. Những loại đau này không làm nguy hiểm đến tính mạnh nhưng ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Có thể bạn không ngờ rằng đến 50% người ở tuổi lao động ở Hoa Kỳ thú nhận rằng từng bị đau lưng hành hạ. Tôi không biết con số chính xác ở Việt Nam là bao nhiêu nhưng tôi nghĩ rằng chắc cũng không ít hơn những nơi khác trên thế giới.

Đau vai, đau vùng cổ cũng rất hay gặp. Đời sống làm việc văn phòng, máy tính, công việc nhà… làm cho chúng ta có tư thế không đúng, thế là đau vai đau cổ không hẹn mà hiện diện trong mọi gia đình chúng ta.

Anh có chơi tennis không? Có à, thế thì chắc anh cũng nghe đến “tennis elbow”? Đây cũng là một trong những bệnh lý mà chúng tôi vẫn thường xuyên chữa trị. Chúng tôi còn tiếp nhận những bệnh nhân là vận động viên thể thao với các chấn thương ở khớp gối, gót chân, mắc cá, khớp vai… Đối với những trường hợp này, chúng tôi thường phối hợp với các chuyên gia về phẫu thuật, bác sĩ thể thao để điều trị hiệu quả cho người bệnh.

Bạn có bị đau đầu không? Bạn không lẻ loi đâu nhé. Chín mươi phần trăm nhân loại bị đau đầu với các mức độ khác nhau. Đau đầu có rất nhiều nguyên nhân, nhưng đại đa số là đau đầu nguyên phát (còn lại một số ít  là đau đầu do nguyên nhân thực thể). Bác sĩ chiropractic có thể giúp bạn khi bạn bị đau đầu này (trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là đau đầu do căng cơ).

Nghe nói ông không dùng thuốc, dùng dao mổ, vậy thì bác sĩ chiropractic sẽ chữa bệnh bằng cách nào?

Trước hết, cũng giống các chuyên ngành y khoa khác, để chẩn đoán bệnh chúng tôi sẽ hỏi bệnh, khám bệnh nhân. Nếu cần chúng tôi sẽ cho bệnh nhân chụp MRI hay CT để xác định nguyên nhân bệnh. Sau khi xác định được nguyên nhân và đánh giá là bệnh lý thuộc phạm vi của mình, chúng tôi sẽ chữa bệnh bằng cách kéo dãn, xoa nắn… để điều chỉnh những rối loạn của bộ phận bị tổn thương.

Bên cạnh đó, chúng tôi thường phải sử dụng một số máy móc để hỗ trợ như anh thấy ở đây: máy phát siêu âm, máy vi tần, máy tạo rung động, các loại bàn chuyên dụng… Ngoài ra, chúng tôi còn phải phối hợp với chế độ dinh dưỡng và các bài tập để tăng hiệu quả điều trị.

Nếu hỏi kết quả điều trị ra sao, chắc hẳn ông sẽ trả lời là rất cao, có đúng vậy không?

Đúng vậy. Tùy theo mức độ bệnh mà người bệnh có thể cần chữa lâu hay mau (từ 2-3 lần điều trị đến 10-12 lần, với nhịp điệu là 2-3 lần mỗi tuần).

Có thể khẳng định là trên 80% bệnh nhân đến với tôi thấy hiệu quả khỏi bệnh rõ rệt. Một ưu điểm nổi bật của Chiropractic so với những phương pháp khác là độ an toàn rất cao, hầu như không hề có biến chứng nào.

Thế thì Chiropractic khác với Vật lý trị liệu (Physiotherapy) như thế nào?

Vâng, một câu hỏi thường gặp.

Chúng ta trở lại với lịch sử của ngành Chiropractic. Năm 1895, David Palmer là người sáng lập ra ngành này. Ông dựa trên một cơ sở lý luận khác với y học thường quy: ông cho rằng mọi bệnh tật đều xuất phát từ những trục trặc của cột sống khiến cho các luồng dẫn truyền thần kinh từ não bộ đến các cơ quan sẽ bị gián đoạn. Để chữa bệnh, người bác sĩ cần điều chỉnh cột sống trở lại như bình thường, khi đó luồng thần kinh sẽ không bị gián đoạn nữa và bệnh sẽ khỏi.

Ngày nay, các bác sĩ chiropractic cũng không hoàn toàn dựa trên cơ sở lý thuyết này, và chiropractic chỉ chú trọng vào một số bệnh lý như đã kể trên chứ không có tham vọng thay thế y học thường quy để chữa được mọi bệnh. Trong suốt thời gian đầu (những năm đầu thế kỷ XX), đã có sự xung đột giữa những nhà y học thường quy và chiropractor. Đến nay, sự xung đột này không còn nữa, và ngành chiropractic đã phát triển rộng khắp ở Hoa Kỳ và trên khắp thế giới bên cạnh y học thường quy. Có thể nói, ngoài y học thường quy thì chiropractic là ngành y học phát triển nhất.

Ở Hoa Kỳ, để trở thành một bác sĩ chiropractic (Doctor of Chiropractic), bạn phải trải qua từ ba đến bốn năm học ở Đại học cấp cử nhân (undergraduate), sau đó bạn sẽ được đào tạo bốn năm về chiropractic với các môn giải phẫu học, sinh lý học, giải phẫu bệnh, sinh hóa, vi sinh, sức khỏe cộng đồng… tương tự như bác sĩ y khoa hay nha sĩ. Khi tốt nghiệp, bạn được thừa nhận là bác sĩ (doctor).

Chúng ta trở lại với câu hỏi của anh, ngành vật lý trị liệu là một chuyên ngành của y học thường quy. Nhưng vậy, nguồn gốc và triết lý của nó khác với chiropractic. Tuy nhiên, trong thực hành, chúng ta thấy có nhiều điểm tương đồng giữa hai ngành, và trên thực tế là có sự vay mượn và học tập lẫn nhau của hai ngành này.

Ở cơ sở của tôi tại Hoa Kỳ, tôi đã phải thuê hai chuyên viên vật lý trị liệu phụ giúp trong việc chữa trị. Phân tích kỹ hơn chúng ta có thể thấy mặt mạnh và yếu của hai ngành này. Chắc chắn rằng một chuyên viên vật lý trị liệu sẽ chăm sóc cho bệnh nhân bỏng, bệnh nhân di chứng đột quỵ tốt hơn chúng tôi. Nhưng với bệnh nhân bị đau như đau lưng chẳng hạn thì chắc chắn chúng tôi có thể chữa hay hơn.

Tôi kể cho anh nghe nhé, trong ba năm đầu học ở trường chiropractic, tôi vẫn không thể nào nắm được cách ấn cột sống cho hiệu quả, và tôi phải bỏ mấy tuần lễ qua Mexico tình nguyện chữa miễn phí cho bệnh nhân ở đó để học kinh nghiệm. Tuần trước, tôi vừa chữa khỏi hẳn chứng đau cổ cho một bệnh nhân 17 tuổi bị từ nhỏ. Chấm dứt một cơn đau đằng đẵng mười mấy năm, thật tuyệt vời phải không anh.

Xin tò mò một chút, ông đến với ngành này là một cơ duyên hay là một ý thích và quyết tâm của mình?

Mọi chuyện bắt đầu khi tôi 16 tuổi, trong một lần chơi bóng đá Mỹ, tôi bị chấn thương gãy cột sống thắt lưng. Ba năm sau đó, tôi hầu như là tật nguyền và phải điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau. May mắn thay, cuối cùng tôi được một bác sĩ chiropractic người Đức chữa khỏi hoàn toàn. Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng thời gian bị chấn thương và phục hồi này chính là giai đoạn có ý nghĩa quyết định nhất trong đời mình. Nó thúc giục tôi dấn thân vào công việc xoa dịu nỗi đau cho người khác. Trong những năm chuẩn bị vào y khoa, tôi có cơ hội để làm việc trong phòng cấp cứu bệnh viện trong một năm. Sau đó tôi đã có quyền được chọn lựa để học y khoa hay chiropractic, và tôi đã chọn chiropractic vì như đã nói, ngành này cho tôi nhiều cơ hội nhất để xoa dịu nỗi đau rất cụ thể cho người khác là điều mà tôi từng ấp ủ từ nhỏ.

Và vì sao bây giờ ông lại chọn Việt Nam để làm việc? Phải chăng ông tìm thấy một cơ hội làm ăn tại đây?

Khi học chiropractic, theo gương người bác sĩ đã chữa khỏi cho mình, tôi đã qua Hàn Quốc để học châm cứu. Vừa mới đến châu Á, tôi đã say mê vùng đất này mặc dù biết rằng sống ở Hoa Kỳ thì dễ dàng hơn nhiều.

Sau khi tốt nghiệp và hành nghề một năm ở Mỹ, tôi quyết định trở lại châu Á. Lần này là Malaysia. Tôi mở và hành nghề tại vài bệnh viện chiropractic ở Malaysia và rất thành công. Bạn có thể biết rằng có một bệnh viện của tôi thường xuyên nhận khoảng 600 bệnh nhân mỗi tuần. Lúc tôi mới đến đó, mọi người chỉ biết đến vật lý trị liệu mà chẳng hề nghe nói đến chiropractic. Nhưng sau đó thì chiropractic trở nên rất phổ biến. Dần dần thì công việc ngày càng nhiều, cường độ làm việc nhiều lúc làm tôi rất căng thẳng. Một vài người Hoa kiều ở đó thấy công việc làm ăn khấm khá nên đề nghị mua lại các cơ sở của tôi. Tôi dành vài năm sau đó để đi du lịch và nghỉ ngơi. Rồi thì một người bạn ở Hồng Kông sở hữu một bệnh viện đang bị thua lỗ, anh ta đề nghị tôi đến Hồng Kông để điều hành bệnh viện giúp anh ta. Sau vài năm nghỉ ngơi, tôi lại muốn làm việc trở lại và nhận lời. Bệnh viện ở Hồng Kông này sau đó lại đông khách trở lại. Trong số bệnh nhân của tôi có nhiều người từ Việt Nam đến, thường là tầng lớp khá giả. Một người bạn là doanh nhân Hoa kiều ở Việt Nam nói với tôi: “Anh đến làm ở Việt Nam đi, ở đó người ta cần loại chữa bệnh này lắm đó”. Thoạt đầu tôi gạt phắt: “Không, không đời nào!”. Vì khi tôi còn học ở Mỹ, rất nhiều người Việt Nam ở đó học chiropractic. Nhưng tôi cũng thử bay sang Việt Nam xem sao và trời ạ, quả thật không hề có một bác sĩ chiropractic nào hành nghề ở đây cả. Tuy công việc làm ăn ở Hồng Kông của tôi đang tốt đẹp nhưng tôi quyết định thử một chuyến phiêu lưu mới xem sao.

Tôi không nghĩ rằng đây chỉ là một chuyến phiêu lưu mà còn là một việc mạo hiểm đấy chứ.

Vâng, về phương diện kinh doanh thì đây là một việc đầy mạo hiểm vì tôi không hề biết đường đi nước bước ở Việt Nam. Trước đó, tôi biết vài người nước ngoài mở công việc kinh doanh ở đây, có người thành công, có người thất bại. Nhưng thử mạo hiểm để trở thành chiropractor đầu tiên ở Việt Nam thì cũng nên lắm chứ. Tôi và vợ tôi quyết định bỏ một khoản tiền đầu tư cho công cuộc kinh doanh này, nếu thử một thời gian mà thất bại thì thôi, xem như một cuộc chơi. May mắn thay, chúng tôi thành công.

Điều đó chắc hẳn làm ông phấn chấn bước đầu. Còn tương lai, ông nghĩ thế nào?

Chúng tôi chỉ mới bắt đầu có vài tháng, hiện nay mỗi ngày tôi có khoảng 20-25 khách hàng, 80% là người nước ngoài và Việt kiều. Anh biết đấy, người Mỹ, người Úc thì thích chiropractic lắm, còn người Việt Nam thì chúng tôi chưa rõ. Nhưng vợ chồng tôi bảo nhau: “Bước đầu thế là ổn, ít nhất mình cũng có thể tồn tại với khách hàng ngoại kiều”.

Như tôi đã nói, cái chính là một cuộc phiêu lưu mới đầy thú vị. Tôi cũng hy vọng tình hình ở đây giống như Malaysia ngày xưa, chỉ sau vài năm mọi người rồi sẽ biết nhiều đến chiropractic và sẽ có nhiều bác sĩ chiropractic hành nghề nữa. Một vấn đề hơi bất tiện là tôi không thể nói tiếng Việt [Lưu ý: cuộc phỏng vấn này xảy ra vào năm 2006, lúc đó bác sĩ Wade chưa thông thạo tiếng Việt như hiện nay]. Tôi có thể nói tiếng Hàn lưu loát, tiếng Trung Quốc và Nhật thì tạm ổn nên khi hành nghề ở những nước này thì tôi dễ tiếp cận với người địa phương hơn.

Thế còn chi phí? Theo tiêu chuẩn của người Việt Nam thì chi phí điều trị của chúng tôi khá cao. Mỗi buổi điều trị là 45 USD. Như vậy, để chữa khỏi bệnh có thể lên đến vài trăm USD. Khách hàng ngoại kiều có thuận lợi là họ được các hãng bảo hiểm nước ngoài chi trả cho.

Ông có ý định mở trường đào tạo không? Điều đáng tiếc là cho đến nay ở châu Á vẫn chưa có trường đào tạo chiropractic nào. Chúng tôi đã từng cố gắng mở trường ở Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan… Nhưng thực tế là đối tác địa phương luôn muốn cắt giảm chi phí và hạ thấp tiêu chuẩn xuống, đó là điều chúng tôi không thể chấp nhận. Ngay cả ở Nhật Bản, trường đào tạo chiropractic cũng không đi tới đâu. Là một người hành nghề chuyên nghiệp, chúng tôi không thể chấp nhận tiêu chuẩn đào tạo nào thấp hơn ở Hoa Kỳ được. Nhưng biết đâu Việt Nam sẽ làm được điều này, phải không anh?

Một chút riêng tư nhé, đọc tiểu sử của ông trên trang web (vietnamchiropractic.com) tôi phát hiện ông có đam mê khác ngoài nghề nghiệp: leo núi, nhiếp ảnh, viết văn. Tôi đã vào amazon.com và thấy ba quyển tiểu thuyết của ông rao bán trên đó. Ông còn hoạt động xã hội nào nữa?

Vâng, tôi thích du lịch, nhiếp ảnh và viết văn. Tôi đã từng leo lên núi Hy Mã Lạp Sơn, cách đây hai tuần tôi đã đạp xe từ đây đến PhnomPenh đấy. Viết lách cũng là một đam mê. Thực sự tôi còn viết nhiều nữa nhưng chỉ có ba quyển được người ta xuất bản thôi (cười lớn). Việt Nam còn là một thiên đường cho nhiếp ảnh vì cuộc sống thay đổi từng ngày. Ngoài ra, khi còn ở Malaysia, Armenia và châu Phi tôi thường tình nguyện chữa cho những trẻ em bị bại não. Ở Việt Nam, tôi đã tiếp xúc với một cơ sở chữa trị cho trẻ em chậm phát triển tâm thần với mong muốn góp sức của mình giúp các em trong thời gian sắp tới.

Là người dày dạn như ông, chắc ông cũng có một triết lý sống nào đó.  (Trầm ngâm) Vâng, có chứ. Theo tôi nghĩ, cuộc sống chỉ có hai điều quan trọng thôi: một là kinh nghiệm sống và hai là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh ta. Tất nhiên tiền bạc cũng quan trọng, nhưng nếu muốn có tiền và vật chất thì tôi đã chọn sống ở Mỹ. Nhưng tôi nghĩ là mình nên ra nước ngoài để có kinh nghiệm sống, và đóng góp điều gì đó cho người khác. Cha mẹ tôi thường hay chọc tôi: “Con có nhiều kinh nghiệm sống thật đấy, nhưng thành công thì ít hơn nhiều”. Ý ông bà nói rằng tôi không giàu có bằng đồng nghiệp của mình ở Mỹ. Vợ tôi là người Malaysia gốc Hoa, chúng tôi có một con gái hai tuổi rưỡi. Tôi vẫn thường đưa cháu về đồng quê. Tôi xuất thân từ thôn quê ở Mỹ, lúc nhỏ cha tôi vẫn thường săn bắn. Bây giờ, tôi cũng muốn dạy cháu yêu cuộc sống thiên nhiên, sơ khai. Cuộc sống ở đô thị khiến chúng ta đánh mất nhiều điều như vậy.

Xin cảm ơn ông, và chúc ông sẽ có nhiều điều tốt đẹp nhất ở Việt Nam. – Thế Phương

Đặt hẹn tại phòng khám ACC để được các bác sĩ nước ngoài thăm khám và chữa trị kịp thời!

Bài cùng chuyên mục